Qua
05 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU, ngày 26/4/2016
của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
của tỉnh giai đoạn 2016-2020, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả
nổi bật. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường; kết cấu hạ tầng
phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư và thu hút đầu tư phát triển; sản phẩm du
lịch ngày càng phong phú, đa dạng về các loại hình.
Đến nay, toàn tỉnh có 8 khu di tích, danh thắng
được công nhận điểm du lịch địa phương; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn
và Di tích danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa được công nhận Di tích quốc gia đặc
biệt; Vịnh Xuân Đài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài đến năm 2030. Lượng khách du lịch
ngày càng tăng, tổng lượng khách du lịch năm 2019 đạt 1,83 triệu lượt, gấp hơn
2 lần so với năm 2015 (trong đó khách quốc tế hơn 45.000 lượt), tổng doanh thu
hoạt động du lịch năm 2019 hơn 1.940 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2015.
Đến năm 2020, do ảnh hưởng dịch
Covid-19 nên tổng lượng khách du lịch giảm còn 884.300 lượt (trong đó khách quốc
tế 7.385 lượt), tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt hơn 678 tỷ đồng. Đóng góp
trực tiếp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015 -2020
khoảng 3,7% .
Cơ sở lưu trú du lịch tăng về số lượng
và chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh có 395 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Tổng
số lao động trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.400 người. Riêng 6 tháng đầu năm
2022, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 582.400 lượt, tăng 79% so với
cùng kỳ. Tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt 700 tỷ đồng, gấp hơn 1,1 lần so với
cùng kỳ, trong đó doanh thu lưu trú đạt 139,4 tỷ đồng, tăng 97,5% so với cùng kỳ .
Tuy nhiên, bên cạnh những kết đạt được,
du lịch của tỉnh thời gian qua còn những hạn chế: Kết cấu hạ tầng du lịch, nhất
là hạ tầng giao thông đường bộ ven biển, giao thông đường thủy chưa đáp ứng yêu
cầu. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch từ 3 - 5 sao còn ít, không đạt so với chỉ
tiêu đề ra. Chưa xây dựng được thương hiệu du lịch để tạo lợi thế cạnh tranh. Sản
phẩm du lịch chưa có nét đặc trưng riêng; dịch vụ tại các điểm đến còn hạn chế.
Chưa khai thác, phát huy được hết giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, các di
tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để phục vụ phát triển du
lịch. Nguồn nhân lực du lịch vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn,
nghiệp vụ, kỹ năng…
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên
lần thứ XVII đã xác định: “Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh…” , tỉnh Phú Yên xác
định những giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới:
Một
là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về phát triển du lịch; nâng
cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch . Đảm bảo nhất quán từ tỉnh
đến cơ sở về mục tiêu, quan điểm phát triển du lịch của tỉnh. Tuyên truyền,
quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và của
toàn xã hội về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế
và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hai
là, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ
du lịch ngày càng hiệu quả. Huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn lực
xã hội hóa để từng bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ven biển. Lập quy
hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng thiết yếu để hình thành các khu du lịch ẩm thực
mang thương hiệu, đặc trưng Phú Yên tại các khu vực trên địa bàn TP Tuy Hòa, Đầm
Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vũng Rô…
Ba
là, thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch. Triển khai thực
hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả cải cách
hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát
triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch
nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ, hướng dẫn người dân trực tiếp tham gia vào hoạt
động du lịch và hưởng lợi từ du lịch.
Bốn
là, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản
phẩm du lịch mang đặc trưng của Phú Yên. Chú trọng những sản phẩm du lịch đặc
trưng, có những điểm nhấn về quy mô, tính chất, đặc điểm mang dấu ấn của địa
phương để thu hút du khách. Tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh
thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng; kết hợp hình thành
và phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề.
Năm
là, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; tăng cường công tác xúc tiến, quảng
bá du lịch và mở rộng hợp tác quốc tế. Tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược
marketing du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh hội
nhập, đa dạng hóa hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực đầu tư nước
ngoài phục vụ phát triển du lịch.
Sáu
là, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Có chính sách khuyến
khích thúc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch; ưu tiên phát triển nguồn
nhân lực tại chỗ, đồng thời với thu hút nguồn nhân lực bên ngoài. Tăng cường
công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý
nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Quan tâm cử cán bộ
tham gia các khoá đào tạo chuyên ngành về du lịch trong và ngoài nước.
Bảy
là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Thường xuyên
quan tâm kiện toàn, bố trí hợp lý cán bộ, công chức làm công tác quản lý du lịch
cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo đủ khả năng thực hiện các mục tiêu và yêu cầu phát
triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
di tích, danh thắng, quản lý hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường du lịch, quản
lý hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch. Phát triển du lịch gắn kết chặt
chẽ với công tác bảo vệ môi trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng bộ tỉnh Phú Yên: Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú
Yên lần thứ XVII, Văn phòng Tỉnh ủy, năm 2020.
2. Tỉnh ủy Phú Yên: Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày
18/8/2021 về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
3. Ủy Ban nhân dân tỉnh Phú Yên: Báo cáo số 128/BC-UBND ngày 14/7/2022 về
tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Phú Yên.