THÀNH LẬP TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP – THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

26/09/2022

ThS Nguyễn Thị Hồng

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Điều 10, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…”


Trải qua gần một thế kỷ xây dựng và phát triển với những trang sử vẻ vang đáng tự hào, Công đoàn Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những điều kiện phát triển mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt Công đoàn Việt Nam trước những thách thức, khó khăn cần vượt qua. Đặc biệt, trong đó, quá trình hội nhập quốc tế, khi chúng ta tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chúng ta đã cam kết ở cơ sở sẽ có ít nhất một tổ chức đại diện người lao động.  Để thực hiện cam kết đó, ngày 20/11/2019, Quốc hội nước ta đã ban hành Bộ luật Lao động, trong đó tại Điều 170 và Điều 172 quy định cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp” ngoài tổ chức công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao độngvà tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia.

Đây là một tổ chức rất mới, độc lập với tổ chức công đoàn cơ sở truyền thống. Công đoàn và các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Như vậy, có thể nói, tại cấp cơ sở nói chung hay cụ thể là trong doanh nghiệp, người lao động có thể thành lập, gia nhập và hoạt động trong hai loại hình tổ chức đại diện quyền lợi người lao động: công đoàn hoặc cũng có thể đồng thời tham gia tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (Bộ luật Lao động năm 2019 không quy định cấm người lao động cùng lúc tham gia hai tổ chức này, cũng như Bộ luật cũng không hạn chế số lượng tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp). Do quy định còn khá mới đối với loại hình tổ chức đại diện người lao động trong Bộ Luật lao động, cho nên khi Việt Nam gia nhập CPTPP, Công đoàn Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức đặt ra. Có thể kể đến:

Nếu công đoàn không có nguồn lực đủ mạnh để tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn và người lao động không phải là đoàn viên công đoàn sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động mới thành lập gia nhập tổ chức công đoàn.

Mặt khác, với cam kết trước tiên ở cơ sở sẽ có ít nhất một tổ chức đại diện người lao động thì Công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động khác, trong điều kiện tổ chức công đoàn vừa phải đại diện bảo vệ quyền, lợi ích người lao động vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

CPTPP có hiệu lực thì đây là lần đầu tiên vấn đề “đa” công đoàn được quy định và áp dụng tại Việt Nam, khi thực hiện sẽ làm thay đổi căn bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức công đoàn. Đây sẽ là một thách thức lớn vì tổ chức của người lao động này không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, hệ thống Công đoàn Việt Nam phải thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nên nguồn lực bị phân tán, thiếu cơ chế chủ động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng… cán bộ công đoàn dẫn đến hệ lụy công đoàn dễ ngày càng mất niềm tin của công nhân, người lao động, mất đoàn viên… đó là những thách thức không nhỏ.

Các hình thái tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở ngoài tổ chức công đoàn có thể là: Tổ chức do người lao động thành lập, thực hiện đúng theo tôn chỉ, mục đích đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động; tổ chức do người sử dụng lao động hỗ trợ thành lập để thao túng, thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp, trong đó có việc chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết của phong trào công nhân; tổ chức đại diện người lao động “đội lốt”, bản chất là tổ chức phản động, không thiện chí, lôi kéo người lao động vào các hoạt động gây rối, phá hoại doanh nghiệp, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Khi các doanh nghiệp có thêm các tổ chức đại diện người lao động với những mục tiêu hoạt động của mỗi tổ chức khác nhau nên tình hình quan hệ lao động dễ bị bóp méo hoặc diễn biến phức tạp, người lao động có thể bị lợi dụng. Việc người lao động bị chia rẽ hoặc bị lợi dụng lôi kéo vào những việc làm trái pháp luật là những vấn đề khó tránh khỏi nếu chúng ta không làm tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Như vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn khi Việt Nam hội nhập quốc tế, cần chú trọng thực hiện những giải pháp sau:

Một là, các cấp công đoàn cần tập trung các nguồn lực và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, góp phần củng cố, tăng cường sự gắn bó chặt chẽ đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Hai là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, có cách tiếp cận hợp lý, hiệu quả việc xây dựng tổ chức và hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động ở các loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động; giảm thiểu những nhiệm vụ khác ít hoặc không liên quan đến lao động.

Ba là, công đoàn phải tập trung vào nội dung đại diện công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động. Công đoàn mạnh thì quan hệ lao động mới hài hòa và tiến bộ, kinh tế, xã hội mới phát triển. Do vậy tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động là trách nhiệm của toàn xã hội.

Bốn là, toàn bộ hoạt động công đoàn hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, người lao động làm đối tượng vận động, tập hợp và tổ chức hoạt động, lấy chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích đoàn viên người lao động làm mục tiêu hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn, nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Năm là, tập hợp trí tuệ, tâm tư nguyên vọng và những bức xúc của người lao động để đề xuất, kiến nghị với Nhà nước xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người lao động ngày càng tốt hơn.

Sáu là, tiến hành rà soát lại toàn bộ cơ cấu tổ chức của tổ chức công đoàn, phát hiện những bất hợp lý trong cơ cấu, để đổi mới mô hình tổ chức khắc phục tình trạng hành chính hóa, nhà nước hóa trong tổ chức hoạt động.

Bảy là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chất lượng không ngừng tăng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tám là, tiến hành thường xuyên đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỹ luật lao động cho người lao động. Chủ động thông tin về tổ chức, hoạt động công đoàn.

Trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chắc chắn Công đoàn Việt Nam sẽ vượt qua mọi thử thách, biến thách thức thành cơ hội, tiếp tục là chỗ dựa cho đoàn viên, người lao động tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo trung ương Đảng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Tài liệu chuyên đề bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Công đoàn ở cơ sở, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H. 2018.

2. PGS, TS. Dương Văn Sao (nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn): Tài liệu Cập nhật kiến thức và đổi mới phương pháp giảng dạy bài Nghiệp vụ Công tác công đoàn và vận động công nhân ở cơ sở, Hà Nội 2019.

3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Nxb.Lý luận chính trị, H.2021.



Liên kết