1. Công tác triển khai dạy và học trực
tuyến tại Trường Chính trị tỉnh Phú Yên
Ngay
sau khi có Công văn số 1000-CV/HVCTQG của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí
Minh ngày 08-9-2021 về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đào tạo
Trung cấp lý luận chính trị theo hình thức trực tuyến cùng với sự chỉ đạo của
Thường trực Tỉnh ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động chuyển từ hình thức dạy
học trực tiếp sang dạy học trực tuyến.
Để
chuẩn bị cho công tác giảng dạy theo hình thức trực tuyến, Trường đã ban hành
Quy định đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến của Trường Chính trị tỉnh Phú Yên (ban
hành kèm theo Quyết định số 97-QĐ/TCT ngày 13/9/2021 của Hiệu trưởng Trường
Chính trị tỉnh Phú Yên). Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Trường tiến hành lắp đặt đường
truyền Internet và thiết bị phát wifi tốc độ cao ở các hội trường, phòng học.
Trường đã lựa chọn ứng dụng VNPT – Elearning
- LMS của VNPT để đưa vào sử dụng; tổ chức tập huấn cho giảng viên về việc
sử dụng ứng dụng dạy học trực tuyến trong giảng dạy; đồng thời thiết lập tài
khoản học trực tuyến cho học viên từng lớp. Chủ nhiệm cũng tổ chức hướng dẫn học
viên sử dụng ứng dụng trên để tham gia học tập hiệu quả. Tất cả giảng viên chủ
động chuẩn bị giáo án điện tử, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với hình
thức trực tuyến.
Nhằm
đảm bảo chất lượng của việc dạy và học trực tuyến, giảng viên thực hiện giảng dạy
tại trường, đồng thời phải đăng nhập vào tài khoản do nhà trường cung cấp trước
giờ giảng 15 phút để bảo đảm kết nối sẵn sàng; thời gian vào học, nghỉ giải
lao, kết thúc buổi học giống như dạy học trực tiếp. Học viên phải sử dụng tài
khoản đăng ký với Trường để truy cập vào lớp học, các thiết bị dùng để học trực
tuyến (như máy tính cá nhân, máy tính bảng hoặc smartphone) ngoài việc phải được
kết nối internet, thì phải bảo đảm loa, micro và camera hoạt động tốt để nghe
giảng viên giảng bài và tương tác với giảng
viên. Học viên không đăng nhập vào lớp học trong thời gian quy định được coi là
vắng học. Ngoài ra, trong buổi học Ban Giám hiệu, chủ nhiệm lớp, phòng Quản lý
đào tạo và nghiên cứu khoa học có thể truy cập vào lớp học để kiểm tra, giám
sát việc dạy và học của lớp.
Tương
thích với dạy học trực tuyến, việc thi, kiểm tra kết thúc phần học chuyển sang
hình thức viết thu hoạch. Bên cạnh đó, hoạt động khai, bế giảng các lớp cũng được
triển khai bằng hình thức trực tuyến.
Nhìn
chung, mặc dù phải chuẩn bị việc giảng dạy trực tuyến trong thời gian ngắn,
tình thế gấp rút, mới mẻ về công nghệ, … nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của
Ban giám hiệu, các đơn vị, giảng viên đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, sáng tạo
nhằm đảm bảo việc dạy và học trực tuyến một cách hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu
về chất lượng chuyên môn. Nhờ chuyển từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến một
cách kịp thời nên dù trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Trường
Chính trị tỉnh vẫn bảo đảm tiến độ đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đề ra.
2. Những ưu điểm và hạn chế, khó khăn
của việc dạy và học trực tuyến
Qua 5
tháng thực hiện dạy và học trực tuyến, có thể thấy, hình thức này có những ưu
điểm như sau: Ứng dụng VNPT – Elearning
- LMS của VNPT có tính bảo mật cao, nhiều tính năng linh hoạt đảm bảo
cho giảng viên truyền tải được đầy đủ nội dung của bài học cũng như sự tương
tác giữa giảng viên và học viên trong quá trình giảng dạy. Ngoài ra, ứng dụng
này giúp bao quát được toàn bộ hoạt động của học viên trong lớp học, kể cả lớp
học có số lượng học viên đông, qua đó nhà trường quản lý được số lượng học viên
truy cập và giám sát được từng học viên, từng lớp học. So với việc học trực tiếp,
học viên không phải đi lại nhiều, hạn chế tiếp xúc, giúp phòng dịch Covid-19 hiệu
quả hơn. Học trực tuyến còn tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho học viên tham
gia lớp học đúng tiến độ, học viên có thể học ở bất cứ nơi đâu, nhất là những học
viên trong khu cách ly y tế tập trung, khu phong tỏa cách ly y tế,…
Tuy
nhiên, bên cạnh những ưu điểm cơ bản nêu trên, việc dạy và học trực tuyến tại
Trường Chính trị tỉnh Phú Yên vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như:
Một là, việc dạy và học trực tuyến yêu cầu
cơ bản nhất đó chính là phải có đường truyền internet đảm bảo. Thế nhưng, do chất
lượng đường truyền internet và ứng dụng học trực tuyến chưa thật sự ổn định nên
đôi lúc lớp học có thể gặp các sự cố làm gián đoạn quá trình giảng dạy, trao đổi
như: không vào được hoặc bị thoát ra khỏi phòng học khi đang giảng dạy; không
tiếp nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh.
Đối với
học viên, để có thể tham gia học trực tuyến trên các ứng dụng, học viên phải tự
trang bị cho bản thân máy tính cá nhân hoặc điện thoại thông minh chất lượng tốt,
tuy nhiên, điều này đối với học viên các lớp chưa thể đáp ứng 100% (có học viên
sử dụng máy tính để bàn, không có micro, camera). Ngoài ra, một số học viên ở
các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ không có được tốc độ đường truyền
internet nhanh, thậm chí mạng 3G, 4G cũng rất chập chờn, ảnh hưởng rất lớn đến
việc học tập.
Hai là, việc tương tác, giao lưu, hỏi đáp
trong buổi học là rất cần thiết để duy trì không khí cũng như giúp học viên tiếp
nhận bài học nhanh chóng hơn nhưng đối với một lớp học trực tuyến, sự tương tác
khó có thể đạt hiệu quả như hình thức dạy và học trực tiếp. Giảng viên rất khó
để kiểm soát hoạt động của học viên vì hầu hết đều tắt micro và tắt camera. Cá
biệt có trường hợp học viên lấy lý do lỗi của đường truyền internet, lỗi kỹ thuật
của các thiết bị học,… để không tham gia trao đổi, thảo luận. Hơn nữa, học trực
tuyến phần nào làm hạn chế việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, giảng
viên chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình nên đôi lúc làm giảm tính sinh động,
hấp dẫn của bài giảng.
Ba là, học trực tuyến là một phương pháp học
đòi hỏi sự tự giác rất cao từ người học. Phần lớn các học viên tập trung nghe
giảng, tích cực thảo luận, tương tác với giảng viên, tuy nhiên, vẫn còn có trường
hợp xao nhãng, làm việc riêng trong lúc tham gia lớp học.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả dạy và
học trực tuyến tại Trường Chính trị tỉnh Phú Yên
Trước hết, cần thay đổi nhận thức của giảng
viên và học viên đối với việc dạy học trực tuyến, coi đây là giải pháp cần thiết
để thích ứng với điều kiện đại dịch Covid - 19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn
toàn. Chính vì vậy, bản thân mỗi giảng viên, học viên phải nỗ lực nghiên cứu, học
tập, đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, Trường cần tăng cường cơ sở vật chất,
kỹ thuật nhằm đáp ứng các yêu cầu của giảng dạy trực tuyến. Trong thời gian tới,
Trường Chính trị tỉnh Phú Yên tiếp tục nâng cấp, đầu tư, chuẩn bị tốt các điều
kiện, phương tiện phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy trực tuyến, tích hợp
thêm các công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến như viết bảng, chia sẻ học liệu... để
giảng viên có thể áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực, tăng sự
tương tác giữa giảng viên và học viên.
Thứ ba, đội ngũ giảng viên nắm chắc các quy
trình, kỹ năng tổ chức giảng dạy trực tuyến. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện
đại vào việc dạy học dần trở thành một yêu cầu thiết yếu cần có ở mỗi giảng
viên, đặc biệt là với phương pháp học trực tuyến thì thành thạo công nghệ thông
tin chính là mấu chốt để quá trình dạy – học được hoàn thiện. Hình thức này đòi
hỏi giảng viên phải nắm vững các thao tác giảng dạy trực tuyến cụ thể, từ việc
soạn giáo án điện tử, kỹ thuật sử dụng, cách thức điều hành, theo dõi, quản lý
học viên,… Hơn ai hết, mỗi giảng viên cần dành thời gian thích hợp để tìm hiểu
và thực hành sử dụng ứng dụng, dự đoán trước các tình huống có thể xảy ra trong
quá trình dạy học để có hướng xử lý phù hợp. Song song với việc nắm chắc quy
trình, kỹ năng giảng dạy trực tuyến, giảng viên cũng cần chú trọng đến việc thiết
kế giáo án, lựa chọn những phương pháp giảng dạy phù hợp, tăng cường trao đổi
giữa giảng viên và học viên, giữa học viên và học viên.
Thứ tư, đối với học viên, học viên cần xác định
rõ mục tiêu tham gia lớp học, tập trung, sắp xếp hợp lý giữa công việc và học tập
để tham gia lớp học đúng giờ, hạn chế những công việc cá nhân, chủ động ghi
chép nội dung bài giảng. Mỗi học viên cần xác định tâm thế, tư tưởng, tác phong
học tập nghiêm túc như đang học tập trực tiếp tại trường.
Tóm lại,
với tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì việc lựa chọn hình thức dạy học trực
tuyến là giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới. Với
sự quyết tâm cao của Ban Giám hiệu và đội ngũ giảng viên cũng như ý thức học tập
của học viên đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản trên, công tác giảng
dạy và học tập theo hình thức trực tuyến sẽ giúp cho Trường Chính trị tỉnh Phú
Yên hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu
kép là vừa bảo đảm chất lượng dạy và học vừa phòng, chống COVID-19 hiệu quả
trong thời gian đến./.