Hêraclit (530 -470 TCN) cho rằng quyền là
con đẻ của chiến tranh và tất yếu. Là một nhà triết học duy vật, nhưng Hêraclit
cho rằng đám đông (nhân dân) không có vai trò đáng kể, dân chúng phải phục tùng
ý nguyện một người là một quy luật tất yếu. Tóm lại nhân dân là người vô quyền
nói chung, chưa nói đến chủ quyền nhà nước.
Platon (427 -347 TCN) nhà duy tâm vĩ đại này cũng chỉ cổ vũ cho quyền của
quý tộc, thượng lưu và các nhà thông thái. Trong “nhà nước lý tưởng” của ông cũng
không có quyền của người dân, vì theo ông, đây “là bản án nghiêm khắc nhất cho
nền dân chủ” [1, tr 87]. Aristotel (384-322 TCN), người ủng hộ tầng lớp trung lưu,
ủng hộ chế độ “quý tộc trị”, trong chế độ đó ông chỉ thừa nhận vai trò quan trọng
của “giai cấp trung lưu” vì “giai cấp này có giá trị hơn cả về phương diện đạo đức
và chính trị”. Ông cho rằng “sự điều hành tốt và ổn định quốc gia sẽ có ở những
nơi, mà ở đó tầng lớp trung gian chiếm số đông và mạnh hơn cả hai tầng lớp xã hội
ở thái cực kia cộng lại, hoặc ít ra là một trong hai tầng lớp đó” [1, tr.91].
Dưới chế độ nô lệ La mã cổ đại, vấn đề chủ quyền của nhân dân hoàn toàn
giống như ở Hy lạp cổ đại. Ở đó mọi cuộc đấu tranh, mọi tư tưởng về chủ quyền của
nhân dân, đều bị đàn áp, vì nó hoàn toàn xa lạ với pháp luật La Mã.
Xixêrông (106 – 43 TCN) nhà tư tưởng của La Mã cổ đại, mặc dù đã tuyên bố
nhà nước là công việc của nhân dân, được xác lập trên cơ sở chung về pháp quyền
và lợi ích của toàn thể. Nhưng ông lại cho rằng “chế độ dân chủ là một trong những
hình thức thể chế nhà nước xấu xa nhất”. Theo Xixêrông, “không có gì ghê tởm hơn
sự độc đoán của đám đông, không có gì nguy hại hơn đám đông ngộ nhận mình là nhân
dân” [1, tr.115].
Các nhà luật học La Mã, kế thừa những thành tựu tư tưởng Hy Lạp đã đề cập
đến ba loại quyền: Quyền tự nhiên, quyền này dựa trên sự cần thiết tự nhiên;
quyền dân tộc, quyền này dựa trên sự thừa nhận chung; quyền công dân, quyền do
mỗi dân tộc quy định, nhân danh nhà nước. Mặc dù vậy, đa số nhân dân, người tạo
ra của cải cho xã hội La Mã cổ đại, tức nô lệ không có quyền gì, kể cả quyền sống
và chết cũng đều phụ thuộc vào chủ nô. Họ được coi ngang với súc vật và công cụ
(công cụ biết nói). Các luật gia La Mã có xu hướng khuất phục trước quyền uy các hoàng đế La mã, bênh vực chính
sách xâm lược tàn bạo của chúng. Họ coi ý chí của ông hoàng là pháp luật. Các bộ
luật của đế quốc La Mã được Ăngghen cho là những bộ luật nhà nước thối nát nhất
từ trước tới nay.
Trong suốt thời kỳ trung cổ, lịch sử (tư tưởng và hiện thực) đã chứng kiến
sự nô dịch của thần quyền và thế quyền đối với nhân dân. Trong thời kỳ này, ở
phương Đông hay phương Tây, nhà nước, đời sống xã hội đều là ý chí của đấng Tối
cao (Trời hoặc Chúa Trời, Thượng đế…) Thời kỳ Trung cổ ở phương Tây được coi là
nền chuyên chế tinh thần, các quan hệ xã hội, chính trị, pháp lý đều được quyết
định bởi nhà thờ và giáo lý của nó. Ở Trung Quốc suôt các thời kỳ cổ, trung đại,
do ảnh hưởng của Nho giáo, “dân” là quý, nhưng cũng chỉ là “bề tôi” là “thảo dân”
mà vua quan có trách nhiệm thương yêu, chăn dắt. Trong các thời đại phong kiến
chuyên chế tập quyền phương Đông, không có một thể chế vững chắc nào thừa nhận
và bảo vệ “quyền” của nhân dân.
2 –Quan niệm về nhà nước thuộc về
nhân dân trong thời kỳ Phục hưng
Là một thời kỳ có sự phát triển nhảy vọt về lực lượng sản xuất, chế độ
phong kiến Tây Âu bắt đầu tan rã, chủ nghĩa tư bản bắt đầu xuất hiện, nông dân
bị vô sản hóa, xuất hiện giai cấp tư sản và vô sản, bắt đầu thời đại của những
cuộc cách mạng chính trị - xã hội. Các nhà tư tưởng của thời đại này đã phản ánh
trong các tác phẩm của mình sức mạnh mới của nhân dân. Trong tư tưởng của thời đại
này, tư tưởng chuyên chế thần quyền bị đánh đổ, các nhà tư tưởng thời đại này đã
xây dựng nhân sinh quan pháp lý về một nhà nước thế tục - nhà nước được xây dựng
trên cơ sở những quan hệ kinh tế cụ thể.
Lên án bạo chính, cổ vũ cho dân chủ, thiết lập chính quyền nhân dân, xây dựng
chế độ cộng hòa... đó là tư tưởng của Makiaveli (1469-1527), đại biều xuất sắc
của thời kỳ này và đã đặt cơ sở ban đầu cho tư tưởng chính trị của giai cấp tư
sản sau này.
Spinôda (1632-1677) quan niệm nhà nước được tạo lập do việc thỏa thuận
chuyển giao sức mạnh và quyền của mỗi người. Vì vậy nhà nước có sức mạnh hơn mỗi
người. Nhưng nhà nước không phải là vô hạn, công dân sau khi đã ký khế ước vẫn
giữ lại một loạt quyền của mình. Quyền mà nhân dân ủy quyền sẽ trao cho hội đồng
công dân. Những quyết định của hội đồng này sẽ đảm bảo được lợi ích chung. Đây
là một trong cơ sở về chủ quyền của nhân dân. Chủ quyền nhân dân chỉ có thể có được
trong nền dân chủ, bởi hình thức chính thể này đảm bảo được lợi ích chung, có sự
ngự trị của lý trí và tự do – là những điều mà tự nhiên ban cho mỗi người.
Những nhà tư tưởng của các cuộc cách mạng tư sản Tây Âu đã bắt đầu tuyên
bố hùng hồn về chủ quyền của nhân dân. Giôn Linbécnơ (1614-1657) cùng với việc
lên án chế độ chuyên chế (Anh), ông bênh vực “quyền bẩm sinh” của nhân dân Anh,
đòi hủy bỏ quyền lực nhà Vua, thành lập cơ quan đại diện cho toàn thể nhân dân
Anh. Giôn Lôcơ (1632- 1704) với tư cách là nhà tư tưởng của cách mạng tư sản, ông
phủ nhận chế độ chuyên chế, bênh vực các quyền tự nhiên của công dân, quyền này
được đảm bảo trong một chế độ nhà nước thích hợp, mà theo ông là chế độ quân chủ
lập hiến. Trong chế độ đó, nhà Vua chỉ giữ quyền hành pháp, tức chỉ thi hành pháp
luật, còn luật pháp do quyền lập pháp - quyền cao nhất làm ra. Để đảm bảo các
quyền tự nhiên, bộ máy nhà nước phải phân chia quyền lực, mỗi quyền chỉ thực hiện
chức năng của mình mà không được can thiệp vào các quyền khác. Chủ quyền nhân dân
cũng được các nhà tư tưởng của cách mạng tư sản Tây Âu khái quát thành quyền xé
bỏ “thỏa thuận xã hội” giữa công dân và nhà nước để lập ra một chính phủ mới.
3 – Quan niệm của các nhà “Khai
sáng” Pháp và thời đại cách mạng tư sản về quyền lực nhà nước thuộc về nhân
dân.
Vonte (1694-1778), Môngtexkiơ (1689-1775) đã phê phán không thương tiếc
chế độ chuyên chế: Môngtexkiơ coi Vua Pháp “là nhà phù thủy vĩ đại: ông ta áp đắt
quyền lực của mình tới cả tư duy của các thần dân, ông ta buộc họ phải suy nghĩ
theo ý thích của ông ta” [1, tr.312]. Vì vậy, Môngtexkiơ cho rằng tự do đối lập
với chuyên chế, muốn có tự do phải tiêu diệt chuyên chế. Tự do chính trị thúc đẩy
sự phát triển kinh tế, công nghiệp và buôn bán, thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Tư tưởng tự do của Môngtexkiơ gắn liền với tự do công dân. Ngoài tư tưởng phân
chia quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để chế ước,
cân bằng lẫn nhau, Môngtexkiơ kêu gọi thành lập cơ quan đại diện của nhân dân để
hạn chế quyền lực của nhà vua.
Sau các nhà Khai sáng, các nhà duy vật Pháp như Điđơrô, Gônbách, Genvetxi…đã
dựa vào học thuyết “Khế ước xã hội” để giải thích sự ra đời của nhà nước và “Pháp
quyền tự nhiên” để khẳng định chủ quyền của nhân dân.
Điđơrô (1713-1784) cho rằng, quyền lực nhà nước xuất hiện như là sản phẩm
của khế ước xã hội, tạo cho xã hội hình thức chính trị có tổ chức. Khế ước này
không tước đi của con người tự do và bình đẳng tự nhiên. Con người chỉ chuyển
giao phần nào cho nhà nước tính độc lập tự nhiên của mình nhằm đảm bảo quyền lực,
sự thống nhất ý chí và sức mạnh của tất cả mọi người. Quyền lực nhà nước do đó
dựa trên ý chí của nhân dân, một thực thể có chủ quyền. Chỉ trên cơ sở đó quốc
gia mới có chủ quyền thực sự, chỉ có nhân dân là người lập pháp chân chính, chỉ
có ý chí nhân dân là cội nguồn của quyền lực chính trị. Mục đích cơ bản của nhà
nước là đảm bảo các quyền bất khả xâm phạm của công dân và hạnh phúc của họ [1,
tr.323].
Tư tưởng chủ quyền nhân dân đã có trước Rutxô, nhưng với Rutxô
(1712-1778) tư tưởng đó được phát triển lên đỉnh cao, ở chỗ, chủ quyền đó được
hình thành trong xã hội công dân và nó thuộc xã hội công dân, còn nhà nước sau đó
được xây dựng trên cơ sở xã hội công dân bằng một khế ước xã hội. Rutxô cho rằng
chủ quyền nhân dân là một thực thể tập thể, nó không được đại diện bởi cá nhân
nào mà là quyền lực được tiến hành bởi ý chí chung hay ý chí của đa số không thể
phân chia, nó luôn luôn thuộc về nhân dân và không thể bị hạn chế bởi bất kỳ đạo
luật nào. Từ đó Rutxô đưa ra ý tưởng về “quyền lực nhân dân trực tiếp”, ý chí
chung không thể chỉ được đại diện, nhân dân không chỉ lựa chọn người đại diện
cho mình mà còn trực tiếp tham gia lập pháp. Một đạo luật chỉ có thể coi là đạo
luật nếu được nhân dân trực tiếp thông qua, nghĩa là phải trưng cầu dân ý. Chủ
quyền của nhân dân còn biểu hiện ở quyền quyết định hình thức tổ chức của chính
phủ, quyền giám sát của nhân đối với nó, mà Rutxô gọi là đặt chính phủ dưới sự
kiểm tra của nhân dân, quyền xé bỏ khế ước để lập ra một chính phủ mới.
Để thực hiện chủ quyền của nhân dân, Rutxô đề nghị xây dựng một chế độ cộng
hòa, trong đó chính quyền lập pháp được thành lập do “khế ước xã hội”, còn chính
quyền hành pháp do quyết định của quyền lập pháp, ngoài ra còn thành lập một cơ
quan đặc biệt (tòa án) để bảo vệ luật pháp và quyền lập pháp.
Tư tưởng chủ quyền nhân dân cùng với
những tư tưởng tiến bộ khác như tự do, bình đẳng, hữu ái đã trở thành ngọn cờ tập
hợp nhân dân đứng lên đấu tranh chống chế độ chuyên chế phong kiến trung cổ. Những
tư tưởng này cùng với thắng lợi của cách mạng tư sản, tự do, bình đẳng, chủ quyền
nhân dân…trở thành những chế định pháp luật thiêng liêng, được ghi trong Tuyên
ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, cũng như trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân
quyền năm 1789, 1793 và trong Hiến pháp
năm 1791 và Hiến pháp năm 1793 của nước Pháp…Chủ quyền của nhân dân được các nhà
tư tưởng khẳng định, chỉ có thể có được nếu xây dựng được một chế độ chinh trị
dân chủ. Đó cũng là lý tưởng đấu tranh của mọi cuộc cách mạng trong lịch sử nói
chung và cách mạng xã hội chủ nghĩa nói riêng.
4 – Quan niệm của Mác - Lênin về quyền
lực nhà nước thuộc về nhân dân.
C. Mác cho rằng: “Trong chế độ dân chủ thì chế độ nhà nước, luật pháp, bản
thân nhà nước – trong chừng mực mà nhà nước là một chế độ chính trị nhất định -
chỉ là sự tự quy định của nhân dân và là nội dung xác định của nhân dân” [2,
tr.351]. Kế thừa những thành tựu khoa học chính trị của thời đại khai sáng, được
thực tiễn cách mạng thế kỷ XVIII – XIX minh chứng, Mác khẳng định: “Dưới chế độ
dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con
người; ở đây sự tồn tại của con người là luật pháp, trong khi đó thì dưới những
hình thức khác của nhà nước, con người lại là tồn tại được quy định bởi luật pháp.
Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy” [2, tr.350]. Do đó, “trong
chế độ dân chủ thì bản thân nhà nước chính trị, chỉ là một dạng đặc thù của nhân
dân, chỉ là hình thức tồn tại đặc biệt của nhân dân thôi.” [2, tr.351].
Chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng nhân dân là người sáng tạo nên lịch sử và
là người quyết định lịch sử. Vì vậy, về khách quan, nhân dân lao động có quyền
quyết định vận mệnh của mình về kinh tế và về chính trị. Nhưng trong xã hội có
giai cấp bóc lột, những thành quả lao động sáng tạo của nhân dân bị giai cấp thống
trị tước đoạt. Bị bóc lột về kinh tế, nhân dân bị tước mất hoặc bị hạn chế quyền
lực chính trị. Để nhân dân thực sự làm chủ vận mệnh của mình, trong đó có cả chủ
quyền nhà nước, thì phải đấu tranh xóa bỏ mọi chế độ bóc lột, xóa bỏ giai cấp và
áp bức giai cấp nói chung, xây dựng một chế độ mới - chế độ dân chủ xã hội chủ
nghĩa.
Giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội Mác – Ăngghen cho rằng: “Tự
do là ở chỗ biến nhà nước, cơ quan tối cao của xã hội, thành một cơ quan phụ thuộc
vào xã hội, và ngay cả ngày nay nữa, các hình thức nhà nước tự do hay không tự
do là tuỳ ở chỗ trong những hình thức ấy “sự tự do của nhà nước bị hạn chế nhiều
hay ít” [3, tr.490].
Trong điều kiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga đã trở thành trực tiếp,
vận dụng những tư tưởng của chủ nghĩa Mác vào điều kiện nước Nga, Lênin vẫn nhấn
mạnh chủ quyền nhà nước của nhân dân lao động mà chủ yếu là liên minh công nông.
Sau khi giành được chính quyền về tay mình, chính quyền công nông (các xô viết
công – nông – binh) sẽ thực hiện chuyên chính đối với giai cấp bóc lột, thực hiện
sự quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, ở đó nhà nước tự tiêu vong, nhân dân lao động
hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình, tự quản lý lấy xã hội, ở đó không còn áp bức
bóc lột giai cấp, không còn áp bức bóc lột giữa người với người, giữa dân tộc này
với dân tộc khác. Dưới chủ nghĩa cộng sản, nền dân chủ với tư cách là chế độ nhà
nước sẽ tiêu vong, nhưng giá trị dân chủ với tư cách là tự do của con người thì
trở nên hoàn bị: Tự do của một người là điều kiện cho tự do của tất cả mọi người
và ngược lại, tự do của tất cả mọi người là điều kiện cho tự do của mỗi người.
5 – Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền
nhân dân
Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã ý
thức được được sự nghiệp giải phóng nhân dân, giải phóng dân tộc phải gắn với
việc thiết lập một chế độ dân chủ, pháp quyền, tự do, bình đẳng, bác ái. Thực
tiễn những năm bôn ba tìm đường cứu nước của Người là thực tiễn khám phá những
gì “đằng sau những từ “tự do” “bình đẳng” “bác ái” để về giúp đồng bào mình”.
Cuối cùng Hồ Chí Minh đẫ tìm ra con đường giải phóng dân tộc “cách mạng nhất”
“chắc chắn nhất” là kết hợp cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức với
cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân - cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa,
kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại.
Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất rõ rệt,
đầy đủ và nhất quán về nội dung, tính chất và cơ chế thực hiện, kế thừa được tư
tưởng “dân là gốc” của tư tưởng chính trị Việt Nam và tính thể chế, tính pháp
quyền trong tư tưởng chính trị phương Tây để đảm bảo quyền lực của nhân dân. Người
viết: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, dân là quý nhất, là quan
trọng nhất, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân
dân” [4, tr.479]. Nhân dân Việt Nam là “con Lạc cháu Hồng” là tất cả những ai yêu
nước thương nòi, nhân dân với những biểu hiện cụ thể của nó, rất khác nhau, như
những ngón tay “ngắn” và “dài” nơi một bàn tay. Nhân dân Việt Nam là không phân biệt giai cấp, giàu
nghèo, trai giái, già trẻ, dòng giống, tôn giáo, tín ngưỡng. Trong nhân dân, Hồ
Chí Minh xác định vai trò “gốc” cách mạng của công nông, lực lượng đông đảo nhất,
chịu nhiều áp bức đau khổ nhất. Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh: Nước ta là một
nước dân chủ, mọi quyền hành lực lượng đều ở nơi dân, mọi lợi ích đều vì dân, sự
nghiệp kháng chiến kiến quốc đều do dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương
do dân cử ra, đoàn thể từ Trung ương đến xã đo dân tổ chức nên. Trong chế độ dân
chủ của chúng ta, bộ máy nhà nước, công chức nhà nước chỉ là công bộc, là đầy tớ
của dân.
Dựa trên những giá trị tiến bộ của nhân loại về chủ quyền của nhân dân, dưới
sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới
giành được độc lập (1945), bản Tuyên ngôn độc lập, bản Hiến pháp đầu tiên
(1946) và trong tất cả các bản hiến pháp của nước ta về sau, chúng ta đều trịnh
trọng tuyên bố: Ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (sau này là nước cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam) tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Điều 2 Hiến pháp
2013 của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi:
“Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là
liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí
thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm
soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành
pháp, tư pháp”.
Như vậy, qua tìm hiểu sự phát triển tư tưởng, lý luận cũng như thực tiễn
chính trị pháp quyền, chúng ta thấy rằng:
1- Chủ quyền của nhân dân đối với nhà nước là hiện thực khách quan, nhân
dân là người quyết định hình thức và phương thức tổ chức nhà nước bằng cách ủy
quyền của mình cho một số người thay mặt họ để thực thi quyền lực nhà nước.
Chủ quyền của nhân dân được biểu hiện ra bằng các nội dung kinh tế, chính
trị, xã hội như sau:
- Có địa vị kinh tế nhất định, dựa trên một hình thức sở hữu nào đó về tư
liệu sản xuất và tài sản.
- Quyền tổ chức và tham gia công việc của nhà nước (Được diễn đạt là quyền
bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước).
- Quyền kiểm soát hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước.
- Quyền biểu đạt ý chí và hiện thực hóa các lợi ích của mình hoặc của cộng
đồng mình (quyền tự do chính trị: tự do hội họp, ngôn luận; tự do tín ngưỡng, tôn
giáo…)
2- Dù ủy quyền một phần để tổ chức nên bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng
công cộng, nhưng về cơ bản quyền lực nhân dân vẫn được giữ lại và là tối cao.
3- Trong các xã hội phân chia thành
giai cấp thống trị và bị trị (chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa),
chủ quyền của nhân dân bị giai cấp thống trị chiếm đoạt, làm biến tướng, tha hóa,
khiến cho đại bộ phận nhân dân trong các xã hội đó sống trong tình trạng vô quyền,
bị áp bức bóc lột.
4- Lịch sử tiến hóa của nhân loại cũng đồng thời là lịch sử đấu tranh để
khẳng định chủ quyền nhân dân. Cuộc đấu tranh đó tuy đã giành được nhiều thành
tựu to lớn, đặc biệt dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng vấn đề chủ quyền của nhân dân
vẫn được đặt ra một cách bức thiết và sẽ được giải quyết cùng quá trình phát
triển xã hội. Vấn đề đó thực sự chỉ có thể giải quyết triệt để trong triển vọng
của chủ nghĩa xã hội.
2. Mác – Ăngghen toàn tập tập1.
Nxb CTQG. H.1995.
3. Mác – Ăngghen tuyển tập, tập
4, Nxb ST. H. 1983 (phê phán cương lĩnh Gotha.)
4.
Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG,
H.1995.