1. Quá trình hình thành chủ nghĩa yêu nước của Hồ
Chí Minh.
Trước hết, cần khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi
tìm con đường giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc với tấm lòng của một người Việt
Nam yêu nước. Tinh thần yêu nước của Người được hun đúc bằng truyền thống yêu
nước với bề dày hàng nghìn năm lịch sử của cha ông. Được hình thành trong quá
trình dựng nước, trong đấu tranh và bảo vệ nền độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của
ngoại bang, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam nổi bật ở tính cố kết cộng
đồng chặt chẽ giữa nhà - làng - nước để bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập, thống
nhất dân tộc, bảo vệ cuộc sống cộng đồng và sự trường tồn của nền văn hoá dân tộc.
Tinh thần yêu nước đã trở thành đạo lý, triết lý sống, niềm tự hào của con người
Việt Nam, khởi đầu từ lòng tự hào về “ Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều
người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước để muôn đời "1.
Từ xưa đến nay, mỗi
khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn
sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm
tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Thực tế từ chính cuộc đời Người cho thấy, cậu
bé Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được nuôi dưỡng
trong truyền thống yêu nước và đấu tranh bất khuất của gia đình, của quê hương
sông Lam núi Hồng “địa linh, nhân kiệt”. Người được thừa hưởng trí tuệ uyên bác
của người cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và ảnh hưởng, hấp thụ những bài học
về lòng nhân ái, đức hy sinh cao cả của mẹ là bà Hoàng Thị Loan. Những năm
tháng thơ ấu, Người đã chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đời sống nhân dân lầm
than, cơ cực dưới sự thống trị hà khắc và tàn bạo của thực dân Pháp. Các cuộc đấu
tranh do các tầng lớp sĩ phu yêu nước lãnh đạo liên tiếp nổ ra: phong trào
kháng Pháp của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, đặc biệt là phong trào Cần Vương
do Tôn Thất Thuyết khởi xướng. Tuy chiến đấu rất anh dũng nhưng rồi các phong
trào trên cũng lần lượt bị đàn áp. Thất bại của phong trào Cần Vương chính là
cái mốc đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của thời kì đấu tranh chống Pháp giành độc
lập dân tộc dưới khẩu hiệu “phò vua cứu nước” nằm trong hệ tư tưởng phong kiến.
Nó chứng tỏ giai cấp phong kiến đã không còn đủ uy tín và lực lượng để giải quyết
vấn đề giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp. Đoạn tuyệt với con đường cứu nước
phong kiến, những sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX hướng ra nước ngoài tìm đến những
con đường cứu nước mới để mong được giải phóng. Trong khi cụ Phan Bội Châu sang
Nhật Bản tìm con đường Duy Tân, sang Trung Quốc tìm con đường cách mạng Tân Hợi
(1911) thì cụ Phan Châu Trinh lại hướng theo con đường nghị viện tư sản của các
nước phương Tây. Những con đường đó tuy có màu sắc khác nhau nhưng đều đi theo
con đường dân chủ tư sản, không phù hợp với tình hình Việt Nam lúc bấy giờ.
Trong bối cảnh như vậy, phải có những con người ưu tú với trí tuệ mẫn cảm và tầm
nhìn vượt lên trên những hạn chế của điều kiện lịch sử trong nước mới có khả
năng tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam .
Với tinh thần ham hiểu biết và học hỏi, với tư duy độc lập
sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hình thành chí hướng lớn lao và quyết tâm
tìm con đường đi cho cho riêng mình. Người không theo con đường của các bậc tiền
bối đã đi, mà có suy nghĩ khác, cách thức khác. Về mục đích đi ra nước ngoài của
mình, Bác nói: Muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu
đằng sau ba từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Và nhiều lần Bác khẳng định rằng, Bác
phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, Bác sẽ trở
về giúp đồng bào mình.
Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, trong vòng 10 năm tiếp
theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế
giới như Singapo, Sri Lanka, Ai Cập, Pháp, Angiêri, Tuynidi, Xênêgan, Ghinê,
Cônggô, Mỹ, Braxin, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Italia, Thuỵ Sĩ,… Với ý chí kiên
cường và lòng yêu nước nồng nàn, Người sẵn sàng làm mọi thứ nghề lao động chân
tay như nấu bếp, làm vườn, vẽ thuê,…để sống cuộc đời của người lao động, hoà
mình vào phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ
nghĩa, của các dân tộc bị áp bức bóc lột ở thuộc địa.
Rõ ràng, qua những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm đó, chủ
nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh có những biến chuyển mới. Sự đồng cảm với đồng bào
mình đã được nâng lên thành sự đồng cảm với nhân dân lao động, với các dân tộc
cùng cảnh ngộ bị áp bức như dân tộc mình. Quá trình thâm nhập thực tiễn rộng lớn
đó cũng đã giúp Người nhận thức rõ hơn, khái quát hơn diện mạo của kẻ thù:
không chỉ đối với thực dân Pháp mà cả chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc nói
chung: “ …những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực
dân rất hung ác và vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế… Đối với bọn thực dân,
tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu ”2
.
2. Hồ Chí Minh – từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ
nghĩa Mác-Lênin
Trong 30
năm bôn ba tìm đường cứu nước từ (1911 – 1941), Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều nước
khác nhau, làm nhiều nghề để sinh sống và hoạt động sôi nổi trong phong trào
cách mạng quốc tế, tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa nhân loại,…đều tuân theo một
chỉ dẫn xuyên suốt: “việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì có hại
cho dân phải hết sức tránh”3. Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa
Lênin”, Hồ Chí Minh cho biết thêm rằng, trước khi đến với chủ nghĩa Lê-nin:
“Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa
tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu
tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần
tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng
được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Tin theo
Lênin, đi theo con đường của Lênin vĩ đại, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp diễn ra cuối năm 1920 tại TP.Tours (Pháp), Nguyễn Ái
Quốc khi ấy tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và được mời phát biểu. Tại
diễn đàn quan trọng này, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo những sự thật tàn bạo mà thực
dân Pháp đã thi hành ở Đông Dương. Người kêu gọi Đảng Xã hội Pháp hãy hành động
để ủng hộ các dân tộc bị áp bức, trong đó có nhân dân Đông Dương. Chính tại đại
hội này, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ ba - Quốc tế
Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người
cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đằng sau sự kiện chính trị trọng
đại này chỉ có sự hiện diện của một động lực duy nhất – lòng yêu nước với khát
khao mãnh liệt giải phóng cho đồng bào: “Tự do cho đồng bào tôi độc lập cho Tổ
quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”4.
Đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng
của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta, Người đã đi từ lập
trường của chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự kiện này cũng mở
ra cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam một giai đoạn mới – giai đoạn gắn
phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt
Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với
chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường này phù hợp với yêu cầu tất yếu khách quan của
lịch sử và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong nước.
Hồ Chí
Minh đã từng khẳng định: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ
nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no
ấm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”5. Như vậy, chủ nghĩa yêu nước
trong Hồ Chí Minh luôn được thể hiện trong lý tưởng giải phóng dân tộc, giải
phóng xã hội và giải phóng con người; lý tưởng xây dựng một Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa phồn vinh, ấm no, tự do, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà; đó
là chủ nghĩa yêu nước chân chính, mang chân lý tuyệt đối. Chính chủ nghĩa yêu
nước đó đã được truyền bá thấm đượm vào toàn thể dân tộc Việt Nam và được hiện
thực hóa trong cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn.
Tóm lại: Trong
thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay, chủ nghĩa yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh
được thể hiện bằng sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và xây dựng dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chủ nghĩa yêu nước phát sinh hằng
ngày, hằng giờ trong mỗi con người chân chính, trong phong trào thi đua của
những người lao động tiên tiến, trong cuộc đấu tranh cho sự công bằng và tiến
bộ xã hội, cho sự tổ chức công việc một cách khoa học. Trong bối cảnh đó, học
tập, vận dụng chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, chúng ta càng phải tăng cường bồi
dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng
lớp nhân dân để không ngừng củng cố, phát triển hơn nữa chủ nghĩa yêu nước Hồ
Chí Minh trong thời kỳ hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 Xem bài viết: Hồ
Chí Minh – Từ lòng yêu nước đến giải phóng dân tộc của tác giả Bùi Kim Hồng –
Giám đốc khu Di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại phủ chủ tịch (Báo điện tử Đảng Cộng
sản Việt Nam, ngày 23/05/2011)
2 Trần Dân
Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của
Hồ Chủ tịch, Nxb. Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, 1999, tr.23-24.
3Hồ Chí Minh
toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t.5, tr.171
4Hồ Chí Minh
toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t.6, tr.226.
5Hồ Chí Minh
toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t.4, tr.246.