- Quá trình ra đời và hoạt động của Trường
trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)
Sau
cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhằm khắc phục tình hình cán bộ các cấp ở địa
phương thiếu về lý luận chính trị và phương pháp vận động quần chúng, Tỉnh ủy Phú
Yên đã chủ trương tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày. Nội dung tập trung bồi
dưỡng đường lối kháng chiến chống Pháp; chủ nghĩa duy vật biện chứng; sửa đổi lối
làm việc; phương pháp vận động quần chúng; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, ... Đến
tháng 02 năm 1949 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ III đã quyết định
nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác phát triển đảng
viên mới. Khi thực hiện nhiệm vụ này, nhiều nơi do nhận thức về tính chất giai
cấp không đầy đủ nên đã chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng, có nơi buông lỏng
quản lý, kết nạp cả thành phần bóc lột vào Đảng. Từ những lớp bồi dưỡng ngắn
ngày và để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong việc trang bị lý luận chủ nghĩa Mác –
Lênin, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền
vận động quần chúng, ngày 14 tháng 11 năm 1949, Tỉnh uỷ Phú Yên quyết định
thành lập Trường Đào tạo cán bộ công nông tỉnh Phú Yên (tiền thân của Trường
Chính trị hiện nay). Trường ra đời đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị
cho cán bộ, đảng viên của tỉnh.
Những
ngày đầu thành lập, Trường gặp vô vàn khó khăn, không có địa điểm mở lớp, Trường
phải sử dụng nhà dân, đình, chùa để làm lớp học; đội ngũ giáo viên chủ yếu là
kiêm nhiệm; nội dung học tập chủ yếu là truyền đạt chỉ đạo của cấp trên cho người
học chứ không có tài liệu để đọc và nghiên cứu; để tránh sự theo dõi của địch
Trường thường xuyên chuyển địa điểm để duy trì lớp học. Khó khăn là vậy, nhưng
với tinh thần cách mạng tiến công, các thế hệ đi trước của nhà trường đã hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ truyền đạt chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chủ trương
của Đảng, công tác vận động quần chúng đến với học viên góp phần giành thắng lợi
trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng và Nhân dân ta.
- Hoạt động của Trường trong kháng chiến chống
Mỹ cứu nước (1954- 1975)
Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của nhà trường. Sau Hiệp định Gieneve 1954, đế quốc Mỹ đã
nhảy vào miền Nam thực hiện chính sách khủng bố, đàn áp đẫm máu, trắng trợn đồng
bào và các chiến sỹ cách mạng yêu nước, để đảm bảo an toàn và tránh bị đàn ápTrường
rút vào hoạt động bí mật. Năm 1961, trước yêu cầu đòi hỏi của việc bồi dưỡng
cán bộ để tăng cường cho cơ sở, Tỉnh Phú Yên đã chủ trương thành lập Trường Đảng
chuyên trách công tác đào tạo, bồi dưỡng đảng viên, cán bộ cơ sở. Hoạt động của
Trường dần đi vào chiều sâu. Trường học được xây dựng, mặc dù phải di chuyển
qua 17 địa điểm trường, nhưng tổ chức và hoạt động của Trường luôn được duy
trì; nội dung truyền đạt bám sát vào thực tế diễn biến tình hình trên địa bàn,
gắn với tình hình, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chủ trương, phương pháp đấu
tranh cách mạng của ta trong thời kỳ này. Phương pháp học tập được thực hiện
khoa học bài bản hơn, học viên đọc tài liệu tại tổ, lên lớp nghe giảng, thảo luận
tổ, giáo viên theo dõi nắm nội dung, gợi ý thảo luận, giải đáp thắc mắc. Mặc dù
dạy và học trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn nhưng Trường vừa tổ chức được các
lớp tập trung dài hạn, vừa tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, cấp tốc cho phù
hợp với diễn biến tình hình đang diễn ra; lớp học ban đầu có khoảng 10 học
viên, sau đó nhiều lớp tăng lên đến 50- 60 học viên; nội dung, chương trình
luôn được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với từng lớp học, từng nhiệm vụ trong mỗi
thời kỳ.
Trong
điều kiện cách mạng vô cùng khó khăn, địch thường xuyên càn quét, nhiều cán bộ
hy sinh nhưng Trường Đảng Phú Yên đã đi suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống
Mỹ cứu nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, cùng với
nhân dân tỉnh Phú Yên viết nên những trang sử hào hùng cho đến ngày toàn thắng
30-4-1975.
- Hoạt động của Trường thời kỳ đất nước giành
được độc lập (1975 -1989)
Sau
ngày đất nước thống nhất, Trường Đảng tỉnh Phú Yên và Trường Đảng tỉnh Khánh
Hòa hợp nhất từ ngày 10/01/1976 và lấy tên là Trường Đảng tỉnh Phú Khánh. Đây
là thời kỳ cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, khắc phục hậu quả chiến
tranh để lại rất nặng nề. Trường Đảng Phú Khánh vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên
môn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên cho tỉnh về chủ nghĩa Mác - Lênin, đường
lối, chủ trưởng của Đảng vừa ra sức tăng gia sản xuất góp phần kiến thiết quê
hương đất nước.
- Hoạt động của Trường từ khi tái lập tỉnh
Phú Yên đến nay
Sau khi
tái lập tỉnh Phú Yên, ngày 16/7/1989 Trường Đảng tỉnh Phú Yên chính thức hoạt động
trở lại, từ đó đến nay đã qua hơn 30 năm, các thế hệ thầy, cô giáo, công chức,
viên chức và người lao động của nhà trường đã ra sức phấn đấu viết tiếp những
trang sử vẻ vang của Trường trong giai đoạn lịch sử mới.
Trải
qua 70 năm hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Nhà trường
đã có những đóng góp to lớn về mọi mặt tạo nền tảng cho các thế hệ tiếp theo kế
tục sự nghiệp để phát triển. Những ngày mới thành lập (1949), Trường chỉ có 05
giáo viên và 04 đồng chí vừa phục vụ vừa cấp dưỡng, đến nay tổng số cán bộ,
công chức, viên chức của Trường là 40 đồng chí, trong đó có 24 đồng chí trình độ
thạc sĩ, 20 đồng chí trình độ cao cấp lý luận chính trị, Đảng bộ nhà trường có
35 đảng viên.
Với đội
ngũ cán bộ, đảng viên luôn được kiện toàn và nâng cao chất lượng; từ khi tái lập
tỉnh đến nay; Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn lượt cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức các cấp cho tỉnh. Trong đó hệ Trung cấp lý luận chính trị
và trung cấp lý luận chính trị - hành chính 122 lớp; 50 lớp quản lý nhà nước ngạch
chuyên viên, hàng trăm lớp hệ bồi dưỡng cho cán bộ hội, đoàn thể nhân dân cấp
cơ sở; liên kết với các học viện, các địa phương, ban ngành đào tạo 20 Cao cấp
lý luận chính trị, 13 lớp chuyên viên chính và nhiều hệ bồi dưỡng, đào tạo khác
góp phần bổ sung nguồn nhân lực dồi dào cho các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp
trong tỉnh.
Bên cạnh sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức; công tác quản lý dạy và học được nhà trường đặc biệt quan
tâm đổi mới toàn diện từ khâu chiêu sinh, tổ chức quản lý dạy và học, đến đánh
giá kết quả học tập được thực hiện khá bài bản, chặt chẽ; phương pháp dạy và học
được đổi mới theo hướng tăng cường đối thoại, rèn luyện kỹ năng, gắn lý luận với
thực tiễn. Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cũng được triển
khai thực hiện thường xuyên đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Trong những năm
qua, Nhà trường đã triển khai thực hiện nhiều hội thảo khoa học cấp tỉnh nhân
các ngày lễ lớn của đất nước; nhiều đề tài khoa học cấp trường, nhiều bài viết
của giảng viên, viên chức nhà trường được đăng trên các tạp chí, báo Trung ương
và địa phương. Các bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề về chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, công tác vận động quần chúng, trao đổi phương pháp dạy và học, … Qua đó,
góp phần khẳng định và làm rõ thêm quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Công tác nghiên cứu khoa học đã được quan tâm đẩy mạnh ngang tầm với nhiệm vụ
giảng dạy góp phần làm tăng kiến thức cho đội ngũ giảng viên, vận dụng trong giảng
dạy phù hợp với từng bài giảng và thực tiễn ở Phú Yên.
Đảng
ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến công tác chính trị, tư tưởng,
công tác xây dựng Đảng; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát việc triển khai thực hiện
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng“Một
số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII
“về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những viểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển
hóa” trong nội bộ”; đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ Chỉ thị số 05-
CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó, làm thay đổi về nhận thức, tinh thần,
trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, viên chức và quần chúng trong nhà trường
theo hướng tích cực.
Chặng
đường lịch sử đi qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào tập thể cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức nhà trường luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định
mục tiêu lý tưởng của Đảng, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong công việc, vượt
qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Với
những thành tích đã đạt được, tập thể nhà trường được Đảng, Nhà nước tặng thưởng
Huân chương Lao động hạng Ba năm 2005; nhiều đơn vị, cá nhân có thành tích xuất
sắc trong công tác, giảng dạy, học tập, phong trào, … được Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân
dân tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh,
Công đoàn viên chức Việt Nam biểu dương, khen thưởng.
Phát
huy truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị Phú Yên xác
định nhiệm vụ trong thời gian tới là rất nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ chính
trị được giao; tập thể Ban Giám hiệu, đảng viên, công chức, viên chức nhà trường
phải tăng cường đổi mới trên các mặt hoạt động của nhà trường. Quyết tâm đoàn kết
hoàn thành xuất sắc một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Thứ nhất, tiếp tục kiện toàn tổ
chức bộ máy, hoàn thiện công tác nhân sự; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh,
xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo mọi hoạt động của nhà trường. Trước mắt, Nhà trường
cần triển khai thực hiện tốt Quy định số 13 - QĐi/TU, ngày 11/ 01/2019 của Ban
Thường vụ Tỉnh uỷ, quy định về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Trường
Chính trị tỉnh; tổ chức sắp xếp bộ máy tinh gọn, ổn định về tư tưởng, chính trị,
từng bước đảm bảo 75 % giảng viên và viên chức làm công tác giảng dạy và nghiên
cứu khoa học theo quy định. Nêu cao quyết tâm chính trị, Trường tập trung làm tốt
công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán
bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên và viên chức làm công tác nghiên cứu khoa học,
tổng kết thực tiễn đạt chuẩn theo quy định, phấn đấu trong thời gian tới Nhà
trường có ít nhất 01 - 02 đồng chí có trình độ tiến sĩ để từng bước tiến tới đảm
bảo mục tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn theo quy định.
- Thứ hai, Nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học trong thời gian đến để gióp phần
xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp cơ sở đảm bảo chất lượng khi ra trường.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi Trường cần xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng
viên, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, tác
phong chuẩn mực trong sinh hoạt, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn
cao, phương pháp làm việc và giảng dạy tốt, có kiến thức thực tiễn gắn với lý
luận, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Chú trọng việc cử
giảng viên đi học tập, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới, bố trí giảng
viên đi thực tế ở cơ sở để bổ sung kiến thức thực tiễn. Tăng cường công tác quản
lý hoạt động dạy và học. Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa
học, tổng kết thực tiễn, nhất là thực tiễn ở cơ sở Phú Yên; hướng mọi hoạt động
khoa học của nhà trường vào mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi
dưỡng.
- Thứ ba, xây dựng Trường Chính trị mới có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại
theo yêu cầu của một Trường Chính trị chuẩn. Trước mắt, tăng cường phối hợp với
các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện xây dựng cơ sở mới Trường
Chính trị tỉnh đảm bảo đúng tiến đội, sớm đưa vào sử dụng để tạo mọi điều kiện
tốt nhất phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong tình hình mới.
Chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và nhu cầu
sinh hoạt của học viên, tạo sự chuyển biến thật sự về chất, thay đổi diện mạo của
Trường trong những năm tới để xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
của cả tỉnh./.